27/10/2022

Nguồn gốc và ý nghĩa của ngày Halloween

Ngày lễ Halloween xuất phát từ một nghi lễ cổ xưa ở phương Tây, nay đã trở thành một lễ hội được nhiều nước tưng bừng tổ chức, đặc biệt là các nước phương Tây. Người phương Tây gọi đây là lễ hội dành cho người đã khuất và tin rằng, người sống và người đã khuất sẽ gặp nhau trong ngày này. Tuỳ mỗi nền văn hóa mà ngày lễ này có ý nghĩa khác nhau nhưng dù sao, đây cũng là thời gian mọi người có thể vui vẻ sum họp bên nhau. Dù ngày lễ này đã du nhập vào nhiều nước Châu Á nhưng để cảm nhận rõ nhất không khí của ngày lễ Halloween thì chắc chỉ có thể ở những nước phương Tây xa xôi. Nào bạn ơi, cùng Hòa Bình Phú Quốc Resort  tìm hiểu về ngày lễ thú vị này nhé!

1. Halloween là gì?

Halloween là lễ hội truyền thống đặc trưng ở phương Tây, có tên đầy đủ All Hallows’ Evening hay còn gọi là "lễ hội ma quỷ". Lễ thường được tổ chức hàng năm vào ngày 31/10, trước buổi lễ Các Thánh trong Kitô Giáo.

Halloween được diễn ra để đánh dấu sự kết thúc của một vụ mùa thu hoạch và bắt đầu mùa đông lạnh giá. Ngày nay, lễ hội Halloween đã phổ biến rộng rãi trên khắp thế giới với quy mô lớn nhỏ tùy theo mỗi quốc gia.

Trong ngày Halloween, mọi người thường hóa trang thành những nhân vật ma quái, xuất hiện cùng nhau dưới ánh trăng, tham dự các bữa tiệc được trang trí rùng rợn.

2. Nguồn gốc lễ hội Halloween

Nhiều người thường thắc mắc vì sao ngày cuối cùng của tháng 10, mọi người lại hóa trang và ăn mặc gớm ghiếc đến vậy, phải chăng đây là ngày lễ thờ quỷ dữ? Thật ra, ngày lễ này có bắt nguồn từ Thiên Chúa Giáo với tên gọi Hallows Eve – ngày lễ các thánh. Ngày này để tưởng nhớ những người đã khuất, gồm các vị thánh, các vị tử đạo,…
Cũng có nhiều tài liệu khác nhau để nói về nguồn gốc của lễ hội này, có nơi cho rằng, lễ Halloween có nguồn gốc từ lễ Samhain của người Celtic nhằm tại ơn các vị thần và ăn mừng cho một vụ mùa bội thu. Truyền thuyết cho rằng, trước đây, trong lễ hội Samhain, những người Celtic mặc các trang phụ hóa trang (dùng phần đầu và da của thú mà họ săn được). Ngoài ra, cũng có những ghi chép kể rằng những người Ai-len nhập cư đến Mỹ vào thế kỉ 19 đã trang trí củ cải và củ khoai tây bằng cách khắc các kí tự “Stingy Jack” (một nhân vật trong truyền thuyết của người Ai-len) và cho nến vào trong.

3. Ý nghĩa biểu tượng của ngày lễ

3.1 Tưởng nhớ người đã khuất

Halloween được tổ chức đầu tiên vào đêm trước ngày Lễ Các Thánh (1 - 11) và kết thúc là ngày Lễ Linh Hồn (2 - 11). Đây là 3 ngày liên tiếp nhau được tổ chức với một ý nghĩa là nhằm tôn vinh các vị thánh đã hoặc chưa được lên Thiên Đàng.

Bên cạnh đó, ngày này còn mang ý nghĩa tưởng nhớ những người thân đã mất. Trong ngày lễ Halloween, các linh hồn người đã chết sẽ được phép về thăm gia đình. Công giáo La Mã cho rằng, những lời cầu nguyện trên trần thế sẽ giúp những linh hồn tẩy rửa được tội lỗi và sớm được về với chúa.

3.2 Xua đuổi tà ma

Người Celtic tin rằng ngày 31 tháng 10 là ngày địa ngục mở cửa, ranh giới giữa cái chết và sự sống dễ bị lấn lướt. Vậy nên họ thường tắt lửa để nhà cửa thật lạnh và tối như thể không có người sống rồi cùng nhau hóa trang thành người chết hoặc ma quỷ, đi quanh khu vực sống để xua đuổi các linh hồn từ thế giới bên kia.

Bên cạnh đó, theo truyền thuyết của nước Ái Nhĩ Lan, có một chàng trai tên Jack. Khi còn sống, anh rất tham lam, thường cất giấu tiền bạc, không bố thí cho ai nên khi chết đi, linh hồn của anh ta không được phép lên thiên đàng. Anh cũng không thể xuống địa ngục bởi lúc còn sống anh ta đã từng chơi đùa với ma quỷ nên quỷ không bắt anh.

Trước đó, đã có quỷ đến phá một vùng dân cư, chẳng may bị báo động nên người dân đến cầu cứu các vị tu sĩ đem vật thánh đến “yểm” và “khóa các cửa” ra vào, vậy là con quỷ bị bắt. Ngay sau đó, Jack đã nhận ra đó chính là con quỷ mình thường vui đùa và tìm mọi cách gỡ vật “yểm ma quỷ” để mở đường cho quỷ chạy thoát. Quỷ muốn đền đáp ơn cứu mạng nên đã hứa với Jack là sẽ không bắt hồn của anh về địa ngục.

Sau này khi Jack chết vì tai nạn nhưng bị thiên đàng từ chối nên đã tìm đến địa ngục. Nhưng quỷ không cho vào bởi lời hứa trước đó. Khi đó, quỷ thấy Jack cô đơn và khổ sở nên đã lấy một ít than hồng bỏ vào trong ruột quả bí ngô rồi đưa cho cậu sưởi ấm. Có lẽ vì vậy mà bí ngô trở thành biểu tượng của dịp lễ Halloween.

 

4. Những hoạt động trong ngày Halloween

Halloween thực sự là một ngày lễ rất được trẻ em và thiếu niên các nước Châu Âu yêu thích. Hoạt động phổ biến nhất trong lễ Halloween là trò chơi “Trick or Treat” (được dịch là “Cho kẹo hay bị trêu chọc”). Trong đó, những gia đình muốn tham gia vào ngày lễ này sẽ treo những dấu hiệu trước cửa nhà mình, thường là hình bí ngô, bộ xương,…. Trẻ em sẽ mặc trang phục hóa trang, xách theo một túi đựng kẹo, gõ cửa những ngôi nhà này, hỏi gia chủ “Trick or Treat?”. Nếu chủ nhà trả lời là “treat”, sẽ phải lấy kẹo và cho vào giỏ của những đứa trẻ, đôi khi có đồng tiền bên trong, nếu trả lời là “trick”, chủ nhà sẽ bị những đứa trẻ trêu chọc.  

 

(Nguồn: tổng hợp Internet)