04/11/2022

Top 9 lễ hội tại Phú Quốc thu hút khách tham quan

Đến Phú Quốc du khách không khỏi trầm trồ trước vẻ đẹp của thiên nhiên ban tặng nơi đây, những bãi biển đẹp lung linh, những con sóng yên ả hay những lớp cát trắng muốt, những món hải sản chỉ nơi này mới có. Phú Quốc còn nổi tiếng với du khách là nơi có rất nhiều lễ hội đặc sắc, hằng năm vào dịp lễ hội tại đây, du khách sẽ được chứng kiến những tiết mục đặc sắc. Hãy cùng Hòa Bình Phú Quốc Resort khám phá những điều bí ẩn về các lễ hội ở Phú Quốc nhé.

1. Lễ hội Nghinh Ông Phú Quốc

  • Địa điểm: Phú Quốc, Kiên Giang
  • Thời gian: Ngày 15/8 – 16/8 âm lịch hằng năm

Như nhiều du khách đã biết thì Lễ hội Nghinh Ông là một lễ hội dân gian truyền thống được tổ chức nhằm tôn vinh “Ðức ngài Cá Ông”, còn gọi là Nam Hải Tướng quân, thu hút đông đảo người dân đến dự hội.

Lễ hội Nghinh Ông có nguồn gốc từ xa xưa, là cội nguồn của ngư dân miền biển, thể hiện sự tôn kính, biết ơn đối với Đức ngài Cá Ông. Lễ rước gồm 2 giai đoạn: Rước Ông từ ngoài biển về và rước Ông về lăng. Tiếp theo là phần lễ tế được tổ chức trang trọng. Cuối cùng, người dân tổ chức ăn mừng cho lễ Nghinh Ông thành công. Trong lễ hội, người dân cầu mong Ông luôn phù hộ cho mưa thuận gió hòa, cuộc sống được bình yên,

2. Lễ hội Nguyễn Trung Trực

  • Địa điểm: Đền thờ Nguyễn Trung Trực, xã Gành Dầu, Phú Quốc, Kiên Giang
  • Thời gian: Ngày 27/8 âm lịch hằng năm

Nhắc đến những lễ hội ở Phú Quốc nổi tiếng, du khách không thể bỏ qua lễ hội Nguyễn Trung Trực. Lễ hội này đã được tổ chức từ năm 1996 tới nay, trở thành nét đặc sắc trong văn hóa của người dân đảo ngọc. Lễ hội Nguyễn Trung Trực gồm 2 phần: Phần lễ và phần hội. Phần lễ được thực hiện theo các nghi thức truyền thống, bày tỏ lòng tôn kính đối với vị anh hùng dân tộc. Phần hội có nhiều hoạt động dân gian: Chợ phiên, múa lân, hội thi thể thao,…

3. Lễ hội Dinh Bà Ông Lang

  • Địa điểm: Ấp Ông Lang, xã Cửa Dương, Phú Quốc, Kiên Giang
  • Thời gian: Từ ngày 18 – 19/1 âm lịch hàng năm

Nằm cách thị trấn Dương Đông 7km, Dinh Bà Ông Lang là một điểm thăm quan có tín ngưỡng cầu may rất linh thiêng. Nơi đây thường được du khách và người dân cúng bái đều đặn, hương khói quanh năm, một trong những lễ hội Phú Quốc có sức hút đông đảo.

Lễ hội Dinh Bà Ông Lang là nét đẹp truyền thống văn hóa ở Phú Quốc, được tổ chức nhằm tưởng nhớ tới phu nhân của anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Lễ hội được tổ chức trọng thể với nhiều hoạt động đặc sắc. Người dân và du khách tham dự lễ hội để cầu mong một năm mới an lành, may mắn, làm ăn phát đạt. Những đôi bạn đang yêu cũng thường đến đây cầu mong được sống trọn đời bên nhau.

4. Lễ hội Đình Thần Dương Đông

  • Địa điểm: Đường 30 tháng 4, khu phố 1, thị trấn Dương Đông, Phú Quốc, Kiên Giang
  • Thời gian: Ngày 10/1 – 11/1 và 15/7 âm lịch hằng năm

Mỗi khi lễ hội được tổ chức, người dân bỏ các công việc hằng ngày, tham gia vào các hoạt động vui chơi trong lễ hội. Người dân tại đây cùng dâng lên những mâm lễ vật là sản vật nổi tiếng của Phú Quốc để mong sao có một năm làm ăn phát đạt, có sức khỏe có được tiền tài. Nếu đến lễ hội Phú Quốc mỗi độ xuân về du khách có thể đến thăm lễ hội Đình Thần Dương Đông này.

5. Lễ hội Dinh Cậu

  • Địa điểm: Khu phố 2, thị trấn Dương Đông, Phú Quốc, Kiên Giang
  • Thời gian: Ngày 15/10 âm lịch hằng năm

Ngày 15/10 âm lịch hằng năm, ngư dân trên đảo lại về Dinh Cậu làm lễ dâng hương, cầu cho trời yên bể lặng, tôm cá đầy thuyền. Trong ngày lễ hội, phần lễ được tổ chức rất trang trọng với các lễ nghinh Cậu, lễ yết Cậu, lễ chánh tế,… vào đúng những khung giờ nhất định. Phần hội có nhiều cuộc thi, trò chơi hấp dẫn như đi cà kheo, đập nồi, đua thuyền trên biển, bắt vịt trên biển, nhảy bao bố,…

6. Lễ hội Trai Đàn Sùng Hưng Cổ Tự

  • Địa điểm: Số 7 Trần Hưng Đạo, thị trấn Dương Đông, Phú Quốc, Kiên Giang
  • Thời gian: Ngày 30/7 âm lịch hằng năm

Lễ hội được tổ chức tại chùa Sùng Hưng, gần với Dinh Cậu. Chùa Sùng Hưng được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX, thờ Quan Âm Nam Hải, bà Chúa Xứ, anh hùng Nguyễn Trung Trực,… Vào ngày 30/7 âm lịch hằng năm, chùa Sùng Hưng tổ chức Đại Lễ Trai Đàn với những nghi thức như: Công Phu, Động Đàn, Thỉnh Tiêu Diện Thượng Giàn,…

7. Lễ hội Lăng Ông Nam Hải

  • Địa điểm: Khu phố 9, thị trấn Dương Đông, Phú Quốc, Kiên Giang
  • Thời gian: Ngày 15/2 – 16/2 âm lịch hằng năm

Là nét đẹp văn hóa lâu đời, lễ hội Lăng Ông Nam Hải trở thành một phần của đời sống tâm linh của người dân đảo ngọc. Đến nay, Lăng Ông Nam Hải có tổng cộng 5 quách xương cốt Cá Ông, được bảo quản cẩn thận. Mỗi năm, người dân lại dâng lên Cá Ông những món sản vật để cầu mong mưa thuận gió hòa, thuyền ra khơi thu hoạch nhiều cá tôm, ngư dân được bình an trở về sau những chuyến lênh đênh bám biển mưu sinh.

8. Lễ hội Thủy Long Thánh Mẫu

  • Địa điểm: Đường Võ Thị Sáu, thị trấn Dương Đông, Phú Quốc, Kiên Giang
  • Thời gian: Ngày 15/1 âm lịch hằng năm

Một lễ hội được tổ chức hằng năm, không còn xa lạ với những du khách và người dân địa phương. Mỗi dịp tháng giêng hằng năm, người dân Phú Quốc sẽ tổ chức lễ hội Thánh Mẫu Thủy Long tại đền thờ dinh Bà, trên đường Võ Thị Sáu, thị trấn Dương Đông. Mỗi dịp này hằng năm, người dân sẽ tổ chức lễ hội, để tri ân đến công lao khai phá hòn đảo này của bà. Đến thăm Phú Quốc không thể bỏ lỡ được lễ hội Thủy Long Thánh Mẫu này. 

9. Lễ hội đua thuyền truyền thống 

  • Địa điểm: Bãi biển Dinh Cậu, Phú Quốc
  • Thời gian: Dịp lễ 30/4 hằng năm

Đây là một trong những lễ hội ở Phú Quốc sôi động, thu hút đông đảo du khách tham quan. Các đội đua đến từ nhiều địa phương sẽ hết sức trổ tài để giành được chiến thắng. Hòa với sự cạnh tranh của các đội đua thuyền chính là không khí cổ vũ náo nhiệt trên bờ. Đây là lễ hội giúp Phú Quốc phát huy nghề truyền thống và quảng bá cho du lịch biển đảo.

 

Mỗi lễ hội có một bản sắc riêng, một ý nghĩa riêng của từng vùng miền trên quê hương Việt Nam. Hòa Bình Phú Quốc Resort luôn hi vọng mọi thông tin cung cấp ở trên sẽ giúp cho du khách có những trải nghiệm tốt nhất. Chúc du khách có những chuyến đi thú vị tại mảnh đất Phú Quốc.