16/12/2022

Tổng cục Du lịch tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023

Sáng ngày 15/12/2022, Tổng cục Du lịch trang trọng tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023. Hội nghị vinh dự đón Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt dự và phát biểu chỉ đạo.

 

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt phát biểu chỉ đạo Hội nghị (Ảnh: TITC)Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt phát biểu chỉ đạo Hội nghị (Ảnh: TITC)

Hội nghị có sự hiện diện của Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu, Chủ tịch Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch (Bộ VHTTDL) Lê Tuấn Anh; lãnh đạo, chuyên viên các Vụ, đơn vị thuộc Tổng cục Du lịch.

Dấu mốc quan trọng mở cửa hoàn toàn Du lịch Việt Nam

Năm 2022 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với việc ngành du lịch Việt Nam đã chính thức mở cửa trở lại hoàn toàn từ ngày 15/3, mở ra cơ hội phục hồi và phát triển trong bối cảnh bình thường mới.

Thành công trong mở cửa hoàn toàn du lịch từ 15/3 là kết quả của một quá trình Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ động nghiên cứu, nắm bắt tình hình, tham mưu đề xuất lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Trong quá trình đó, Tổng cục Du lịch đã làm việc chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan, các địa phương, doanh nghiệp để thống nhất về các quy trình thủ tục kiểm soát y tế, xuất nhập cảnh, thị thực, phương án đón và phục vụ khách du lịch, đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Với những nỗ lực, quyết tâm của các ngành, các cấp, Việt Nam là một trong số ít quốc gia có chính sách mở cửa thông thoáng nhất: Không yêu cầu tiêm phòng vắc-xin; Không yêu cầu cách ly y tế; Không yêu cầu xét nghiệm Covid-19; Không yêu cầu khai báo y tế trước khi nhập cảnh.

Sôi nổi các hoạt động phục hồi du lịch với sự đồng hành dẫn dắt của Tổng cục Du lịch

Ngay sau khi du lịch được mở lại, Tổng cục Du lịch đã tập trung đẩy mạnh chương trình truyền thông với chủ đề “Live fully in Vietnam” để thu hút khách quốc tế và chương trình “Du lịch an toàn, trải nghiệm trọn vẹn” để thúc đẩy thị trường nội địa. Tổng cục Du lịch đã chủ trì, đồng hành cùng các địa phương, doanh nghiệp tổ chức hàng loạt sự kiện để khởi động lại hoạt động du lịch trên toàn quốc.

Nhân dịp SEA Games 31 tổ chức tại Việt Nam, ngành du lịch đã tận dụng cơ hội để quảng bá mạnh mẽ hình ảnh du lịch Việt Nam an toàn, thân thiện, hấp dẫn tới các đoàn thể thao và du khách quốc tế, góp phần mang lại thành công cho Đại hội. Trong dịp này, Tổng cục Du lịch ra mắt video clip “Việt Nam: Đi Để Yêu! – Let’s shine and live fully” để chào đón bạn bè quốc tế.

Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: TITC)Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: TITC)

Với sự đồng hành của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, ngành du lịch đã tổ chức nhiều sự kiện xúc tiến quảng bá sôi nổi, trong đó có Hội chợ VITM Hà Nội, Hội chợ ITE TP.HCM, Diễn đàn Du lịch Kontum, Diễn đàn Du lịch Mekong 2022. Đặc biệt, với việc tham gia Hội chợ du lịch quốc tế lớn nhất thế giới WTM London 2022, Du lịch Việt Nam khẳng định mạnh mẽ thông điệp mở cửa, sự hiện diện và hòa nhập với thị trường quốc tế trong bối cảnh bình thường mới.

Các hoạt động hợp tác quốc tế được Tổng cục Du lịch thúc đẩy nhằm bắt nhịp, kết nối lại với các đối tác. Nổi bật như tham dự các Hội nghị của Tổ chức Du lịch thế giới tại Maldives, Hội nghị ngành du lịch thế giới ở Hàn Quốc, Diễn đàn Du lịch ASEAN tại Campuchia, Diễn đàn trực tuyến Chính sách cấp cao KOPIST, triển khai các phiên họp song phương giữa Việt Nam với Nhật Bản và Singapore. Cùng với đó là nhiều cuộc làm việc với các cơ quan ngoại giao nước ngoài ở Việt Nam, các tổ chức quốc tế trao đổi về hợp tác quảng bá du lịch Việt Nam.

Dấu ấn chuyển đổi số và truyền thông quảng bá du lịch

Một trong những dấu ấn nổi bật trong năm 2022 là việc toàn ngành triển khai mạnh mẽ hoạt động chuyển đổi số với sự đồng hành, dẫn dắt của Tổng cục Du lịch. Hệ sinh thái du lịch thông minh đã được hình thành trên cơ sở các nền tảng số cốt lõi của Tổng cục Du lịch như hệ thống cơ sở dữ liệu Du lịch Việt Nam; nền tảng Quản trị và kinh doanh du lịch; nền tảng đa dịch vụ Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel; Thẻ Việt - Thẻ du lịch thông minh và nhiều sản phẩm công nghệ khác hỗ trợ công tác quản lý và kinh doanh du lịch. Đồng thời, Tổng cục Du lịch đã triển khai các chương trình hỗ trợ hướng dẫn chuyển đổi số tại nhiều địa phương trong cả nước như Hà Nội, Nghệ An, Hải Phòng, Hà Giang, Khánh Hòa, Sơn La, Cần Thơ, Kiên Giang, Gia Lai… đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng, tháo gỡ “nút thắt” cho các địa phương trong quá trình chuyển đổi số du lịch.

Công tác truyền thông quảng bá du lịch trên các website và mạng xã hội của Tổng cục Du lịch được tập trung đẩy mạnh. Đặc biệt, với cách làm mới mẻ và hiệu quả, Chương trình truyền thông du lịch trên YouTube với chủ đề “Việt Nam: Đi Để Yêu!” của Tổng cục Du lịch vinh dự được trao giải Nhì tại Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ 8 - giải thưởng uy tín do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức.

Với những nỗ lực quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam ra nước ngoài theo chủ đề “Live fully in Vietnam”, website vietnam.travel của Tổng cục Du lịch tăng hạng mạnh trên thế giới. Theo số liệu từ chuyên trang similarweb.com, tháng 10/2022 website vietnam.travel xếp hạng 152 nghìn trên toàn cầu, tăng 423 nghìn bậc so với cùng kỳ năm 2021. Mức tăng hạng này cao vượt trội so với các đối thủ cạnh tranh chính trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia.

Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu trình bày báo cáo tổng kết công tác năm 2022, phương hướng nhiệm vụ năm 2023 (Ảnh: TITC)

Kết quả tích cực và sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế

Nhờ có sự quyết liệt hành động của cơ quan quản lý du lịch ở Trung ương và sự hưởng ứng của các địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội, hoạt động du lịch đã có sự phục hồi tích cực.

Đặc biệt, lượng khách du lịch nội địa năm 2022 đạt trên 100 triệu lượt, vượt xa mục tiêu cả năm 2022 và cao hơn cả năm 2019 – thời điểm trước khi xảy ra đại dịch. Điểm sáng này cho thấy chủ trương đúng đắn của Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lấy thị trường nội địa làm động lực cho sự phục hồi ngành du lịch. Lượng khách du lịch quốc tế đạt 3,5 triệu lượt, đang từng bước nỗ lực phục hồi trong bối cảnh khó khăn chung của ngành du lịch châu Á, nhiều thị trường nguồn lớn vẫn đóng cửa hoặc mở cửa hạn chế.

Những nỗ lực nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt và tái thiết ngành du lịch Việt Nam đã mang lại thành tựu đáng ghi nhận. Theo báo cáo năm 2022 của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Chỉ số năng lực phát triển của Du lịch Việt Nam năm 2021 xếp thứ 52, tăng 8 bậc so với năm 2019, nằm trong nhóm 3 quốc gia có mức độ cải thiện tốt nhất trên thế giới.

Tại giải thưởng World Travel Awards 2022, Du lịch Việt Nam xuất sắc giành được 16 hạng mục giải thưởng hàng đầu Thế giới và 48 hạng mục giải thưởng hàng đầu Châu Á. Trong 5 năm gần nhất, Việt Nam 3 lần được tôn vinh là Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới; 4 lần nhận danh hiệu Điểm đến hàng đầu châu Á; Tổng cục Du lịch Việt Nam 3 lần được bình chọn là Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á, cùng nhiều danh hiệu quốc tế uy tín khác dành cho các địa phương, doanh nghiệp của Việt Nam, cho thấy sự ghi nhận và yêu mến của cộng đồng quốc tế dành cho Du lịch Việt Nam.

Có thể nói, những kết quả tích cực của ngành Du lịch Việt Nam trong năm 2022 là nhờ có sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước với chủ trương đúng đắn, kịp thời mở cửa du lịch từ 15/3, khởi đầu cho việc nối lại giao thương quốc tế của Việt Nam; cùng với đó là sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch, sự ủng hộ của các bộ, ban, ngành và sự vào cuộc tích cực của các địa phương, doanh nghiệp trong ngành. Đây là tiền đề vững chắc để Du lịch Việt Nam phục hồi đà tăng trưởng và phát triển bền vững trong tương lai.

Hội nghị đã nghe các tham luận của lãnh đạo các Vụ, đơn vị thuộc Tổng cục Du lịch về giải pháp tăng cường công tác xúc tiến quảng bá du lịch; thúc đẩy thị trường du lịch nội địa và du lịch quốc tế; nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, nhân lực du lịch trong bối cảnh mới; Chủ tịch Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch (Bộ VHTTDL) trao đổi về kế hoạch phối hợp triển khai các nhiệm vụ trong năm 2023.

Phát huy hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về du lịch

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của Tổng cục Du lịch trong năm 2022 mặc dù bối cảnh chung còn nhiều khó khăn nhưng đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tổng cục Du lịch đã phát huy vai trò đồng hành, dẫn dắt các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp triển khai mạnh mẽ các hoạt động phục hồi du lịch trên cả nước. Các hoạt động xúc tiến quảng bá, hợp tác quốc tế, truyền thông, chuyển đổi số đã phát huy hiệu quả tích cực.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt phát biểu chỉ đạo Hội nghị (Ảnh: TITC)

 

Đặc biệt, trong công tác quản lý nhà nước, Tổng cục Du lịch đã chủ động tham mưu Lãnh đạo Bộ xây dựng các văn bản, đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như: Nghị định số 30/2022/NĐ-CP về mô hình quản lý khu du lịch quốc gia; Đề án một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm; Đề án Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Đề án Xây dựng và hoàn thiện quy định về quản lý mô hình kinh tế chia sẻ trong du lịch...

Nhiệm vụ “Xây dựng quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045” có ý nghĩa rất quan trọng tạo cơ sở hoạch định chính sách phát triển du lịch Việt Nam trong giai đoạn tới, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Về phương hướng nhiệm vụ trong năm 2023, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt đề nghị Tổng cục Du lịch tiếp tục tập trung rà soát các văn bản pháp luật về du lịch, tham mưu Lãnh đạo Bộ việc điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển. Nghiên cứu, tham mưu Lãnh đạo Bộ giải pháp thúc đẩy thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, trong đó xác định rõ những thị trường trọng điểm, thị trường có tiềm năng cần đẩy mạnh. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch để triển khai các chương trình xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam.

Đồng thời, nghiên cứu cơ chế chính sách phát triển các loại hình du lịch có tiềm năng như du lịch cộng đồng, du lịch MICE, du lịch biển đảo, du lịch thông minh… để định hướng cho các địa phương, doanh nghiệp đẩy mạnh khai thác.

Thứ trưởng cũng chỉ đạo Tổng cục Du lịch tập trung chuẩn bị tốt cho 2 sự kiện quan trọng trong thời gian tới là Hội nghị toàn quốc về du lịch gắn với sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị và Hội nghị về thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Trân trọng cảm ơn sự ghi nhận và những ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh khẳng định trong năm 2023, Tổng cục Du lịch sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những khó khăn, thách thức, đoàn kết thống nhất quyết tâm hoàn thành tốt những nhiệm vụ được Lãnh đạo Bộ giao phó, nỗ lực cùng toàn ngành triển khai các giải pháp phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam.

(Trung tâm Thông tin du lịch - https://www.vietnamtourism.gov.vn/)